Trong quá trình đầu tư thâm canh cây chè của nông dân trước đây còn nhiều hạn chế. Nông dân chủ yếu sử dụng các loại phân bón vô cơ khiến đất bị thoái hóa, cây chè sinh trưởng phát triển kém, năng suất và chất lượng chưa cao. Để khắc phục những hạn chế trong thâm canh cây chè, hiện nay trên địa bàn, nông dân trồng chè đã đưa vào sử dụng những chế phẩm sinh học giúp cải tạo đất, làm cho cây chè hấp thu dinh dưỡng, góp phần làm tăng năng suất và chất lượng chè búp. Huyện Hạ Hòa cũng xác định nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển cây chè trong thời gian tới là ổn định diện tích hiện có, trồng thay thế diện tích chè cũ, cằn xấu bằng giống chè lai.

Căn cứ những tính năng vượt trội về hàm lượng đạm amin trong sản phẩm phân bón pomior, Hạ Hòa đã triển khai bón lá trên cây chè tại địa phương. Ông Đỗ Phi Hùng- Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Hạ Hòa cho biết: Để kiểm tra hiệu quả, chúng tôi đã thực hiện bón pomior trên diện tích 3ha giống chè lai LDP1 tại gò Đầm Thẩm thuộc khu 5 xã Hương Xạ. Ngay từ đầu vụ, Trạm Khuyến nông đã hướng dẫn nông dân thực hiện vệ sinh nương chè như phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ để hạn chế nơi trú ẩn của sâu bệnh, bón lót phân NPK vùi trong đất như quy trình chăm sóc thông thường. Sau mỗi đợt hái, tiến hành bón phân pomior P198 bằng phương pháp phun lên tán chè lúc búp mới nẩy theo chuẩn 50ml/bình 16 lít, phun 4 bình/1.000m2/lần.
Được biết, ngay sau khi thu hoạch lứa chè vụ xuân, đầu tháng 4, người dân đã tiến hành phun đồng loạt pomior lên tán chè để kích thích chè sinh trưởng. Sau mỗi lứa hái đều tiến hành phun theo đúng lượng, đúng thời điểm nên trong thời gian ngắn, nương chè đã lên xanh, lứa chè sau ngủ phát triển búp nhanh. Người dân cũng đồng thời phun thuốc bảo vệ thực vật song song với phân bón lá nên đã hạn chế sâu bệnh và tiết kiệm công lao động.
Mặc dù chè trồng trên đồi có độ dốc lớn nhưng do được chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên cây chè vẫn sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Đặng Văn Thắng- Phó Chủ tịch UBND xã Hương Xạ khẳng định: Việc tiến hành phun pomior, cây chè cho nhiều búp, búp chè vươn dài, tỷ lệ búp mù xòe thấp.
Ông Sáu cho biết: Căn cứ chu kỳ sinh trưởng của cây chè, ước tính năng suất cả năm nương chè gia đình tôi là 16,5 tấn/ha, cao hơn 3 tấn so với nương chè canh tác, bón phân theo tập quán. Cây chè cho sản lượng ổn định với chất lượng tốt nên giá bán cao hơn các loại chè lứa cũ. Sau khi hạch toán, chỉ qua 4 lứa hái, cây chè dùng phân pomior đã thu lãi cao hơn chè đối chứng gần 6,2 triệu đồng/ha.
Việc ứng dụng phân bón lá trong thâm canh cây chè đã nâng cao sản lượng chè và góp phần bảo vệ môi trường. Theo ý kiến của Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Hạ Hòa, ông Đỗ Phi Hùng thì ngành nông nghiệp nên có hỗ trợ giá cho đối tượng nông dân trồng chè giống mới, diện tích trồng tập trung từ 1ha trở lên, thâm canh theo quy trình VietGAP để đẩy mạnh sản xuất chè an toàn. Đây là hướng phát triển cây chè bền vững, với chu trình sản xuất sạch- mà phải sạch ngay từ khâu nguyên liệu.